Lịch sử ra đời và phát triển của xã Kỳ Thọ

Căn cứ vào trầm tích từ nền Văn hoá Bắc Sơn, sang Văn hoá Bàu Tró, thủa “bình minh” của thời đại Đồ đá mới sang thời đại Văn hoá Đông Sơn, người Nguyên thuỷ bước vào thời kỳ văn minh, thời Hùng Vương và căn cứ vào Địa chí Kỳ Anh, Hà Tĩnh để khẳng định cư dân Kỳ Anh nói chung Kỳ Thọ nói riêng tồn tại với tư cách là người Việt Thường của bộ Cửu Đức – một trong 15 bộ của nước Văn Lang). Cuối thế kỷ thứ II, quân Đông Hán suy sụp, quận Nhật Nam thành lập nước Lâm Ấp, sau đó hợp nhất hai tiểu vương quốc người Chăm để thành lập nước Chămpa, từ đó địa bàn Kỳ Thọ cũng thuộc miền viễn phương“phên dậu”phía nam nước Đại Việt. Căn cứ vào lịch sử của Hà Tĩnh, địa chí Kỳ Anh và các chứng tích khác để khẳng định cư dân ở Kỳ Thọ cũng khá sớm (kẻ Chào, kẻ Hói, kẻ Rột –  mang danh kẻ, trang, trại, tích...thường là những cư dân có từ xa xưa, nhỏ lẻ), nhưng chủ yếu từ Bắc vào, nhất là thời Lê-Nguyễn với lý do:"Tìm miền đất lạ", lánh nạn giặc giã, đi lính, làm quan (chủ yếu quan võ rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp). Theo tài liệu chép ngày Rằm tháng Bảy, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nguyên văn chữ Hán, có đối chiếu sách tham khảo “Tên làng xã Việt Nam” đầu thế kỷ XIX (Bản B, KHXH xuất bản năm1981): Thời kỳ này địa bàn Kỳ Thọ nằm trong xã Đậu Chữ thuộc Tổng Đậu Chữ (có các thôn Sơn Luật, Song Phượng, Sơn Triều, Đậu Xá, Long Ngâm, Xuân Chữ, Phú Duyệt). Theo sách“Tỉnh Hà Tĩnh” của Buy-La-To viết năm 1925: “Dân số Kỳ Anh có 29.000 người, trong đó 4.958 tráng đinh” và cuốn “Kỳ Anh phong thổ ký” của ông Lê Đức Trinh tri huyện Kỳ Anh năm 1931, số tráng đinh Kỳ Anh 9.102 người; năm 1942 có 10.862 đinh, 49.124 khẩu trong đó các làng Sơn Triều, Vĩnh Yên, Sơn Luật đã có đủ dân đinh lập đơn vị hành chính (theo tài liệu của công sứ Pháp ở Hà Tĩnh là Môn - Moll - bản dịch của Đặng Văn Thị). Dân cư vào đây đã lâu đời, thuộc nhiều dòng họ, đông nhất là họ Nguyễn, họ Phạm, họ Hồ, họ Lê, họ Hoàng, họ Lương, họ Cao, họ Trần, họ Dương, họ Đậu...(có những dòng họ vào đây sớm như họ Hồ Văn vào đây khoảng từ năm 1646-1656). Riêng làng Long Phượng có Đội Gầm, đội Sanh, Gia Cống, Quan Vách (1) ...). Ở Sơn Luật còn lưu câu chuyện chim Phượng Hoàng đậu trên đỉnh rú Rột ("Vua ngồi trên rú Rột thời Nhà Hồ mà dân làng không biết đón rước giữ gìn". Quê hương của nhiều đền, chùa, miếu mạo (năm 1945 vẫn còn 21 di tích và nhiều di sản văn hoá phi vật thể giá trị (1 trong nhiều di sản đó là bài "Chuyện Long Phượng" của Cố Hiệu viết năm 1901 ( "Giang Sơn tồn ký định/ Bởi phượng hoá long phi"..." Thác xuống làm thần tiên/Để bảo hộ Vĩnh Yên"...

Tháng 12/1945, thực hiện quyết định của cấp trên, xã Đậu Thọ được thành lập gồm có các làng: Sơn Triều, Vĩnh Yên, Sơn Luật, Dụ Thành. Cuối năm 1949, xã Đậu Thọ và Đậu Ninh nhập thành xã Lĩnh Nam (có các xóm: Dụ Thành, Sơn Triều, Sơn Luật, Vĩnh Yên, Thuận Định, Đồng Nghĩa, Yên Điềm, Xuân Chữ, Hải Khẩu, Tân Yên, Vĩnh Lộc). Cuối năm 1954, tách địa bàn Sơn Triều, Vĩnh Yên, Sơn Luật để thành lập xã Kỳ Thọ (chuyển xóm Dụ Thành về xã Kỳ Khang; địa bàn Đậu Ninh cũ thành xã Kỳ Ninh). Kỳ Thọ chia Sơn Luật thành 4 xóm (Xóm Ngoài, xóm Trong, xóm Đông, xóm Chùa). Năm 1960, xã chia thành 10 thôn: Lĩnh Bắc, Thuận Trung, Hồng Sơn, Hồng Tân, Hồng Phong, Thọ Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Hòa, Thọ Nam,Thọ Bắc. Làng, xã đã nhiều lần thay đổi địa danh, giới cách, dân số (năm 1983-1996, có hàng ngàn người đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh ở miền Nam; riêng ở Tây Nguyên có 205 hộ gồm 926 nhân khẩu). (2) Hiện nay xã Kỳ Thọ chia thành 6 xóm: Sơn Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây, Tân Sơn, Tân Thọ, Vĩnh Thọ; dân số có 1.091 hộ gồm 3.639 người (có 2.196 lao động, chiếm 60,34% dân số).

Sự ra đời và phát triển Đảng bộ xã Kỳ Thọ

Sau khi giành chính quyền, cán bộ và nhân dân vô cùng phấn khởi, nhưng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn do hậu quả chế độ cũ để lại, đặc biệt là nạn đói khủng khiếp cuối năm 1945 làm chết đói trên 300 người, trong đó 163 người tại làng xã, cùng hàng ngàn người khốn khó, ốm yếu bệnh tật, tha phương cầu thực (nhiều người vào Nam, sang Lào, Cao Miên, Thái Lan đến nay vẫn mất tăm tích). Cảnh đói rét, mù chữ, lạc hậu, lại phải chuẩn bị chống quân Pháp đánh chiếm nhằm trở lại xâm lược nước ta, nên chính quyền cách mạng và nhân dân địa phương cũng như cả nước lúc này đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Cuối tháng 12/1945, cán bộ cốt cán đoàn thể và Uỷ ban cách mạng các làng Sơn Triều, Sơn Luật, Vĩnh Yên, Quảng Dụ họp để nghe đại dịên Uỷ ban lâm thời huyện công bố quyết định của Uỷ ban lâm thời tỉnh về việc bỏ các tổng và Uỷ ban cách mạng làng để thành lập xã lại đơn vị hành chính cơ sở. Các làng: Sơn Luật, Vĩnh Yên, Sơn Triều, Quảng Dụ thuộc xã Đậu Thọ. Uỷ ban Cách mạng lâm thời xã Đậu Thọ được Huyện chỉ định 7 uỷ viên, do ông Hoàng Lương Hoãn làm chủ tịch, ông Trần Ngọc Hoàng phó chủ tịch, ông Lương Đình Phóng  uỷ viên thư ký. Các đoàn thể  cách mạng được củng cố, hoạt động hăng hái, nhất là vận động phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm giúp nhau vượt qua nạn đói và giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và bảo vệ chế độ mới.

Cuối năm 1945, Mặt trận Việt Minh xã Đậu Thọ được thành lập. Ban chấp hành Việt Minh xã gồm 7 vị, ông Nguyễn Thiện làm bí thư Liên Việt, ông Hồ Kha phó bí thư Liên Việt, ông Lương Đình Chuân thư ký. Nhiều gia đình đã hăng hái ủng hộ cách mạng, điển hình là cán bộ và nhân dân làng Sơn Luật xung phong ủng hộ kinh phí, đăng cai địa điểm tổ chức cho cuộc họp giao ban Việt Minh - Liên Việt vùng Đậu Thọ, Đậu Ninh, Đậu Khang và các cuộc họp trong xã. Từ điển hình của cán bộ và nhân dân Sơn Luật mà các gia đình, các làng thi đua ủng hộ chính quyền, đoàn thể trong điều kiện hết sức khó khăn, trước hết là kinh phí và điều kiện hoạt động.

Ngày 6/1/1946, Chính quyền và các đoàn thể xã, làng đã tuyên truyền, tổ chức nhân dân bầu cử Quốc hội khoá I. Mỗi làng tổ chức 1 điểm bỏ phiếu nghiêm trang, (có người hướng dẫn và viết giúp cho người chưa hiểu, chưa biết chữ để cử tri biết lựa chọn người mình tín nhiệm). Do chỉ đạo, tổ chức chu đáo, cụ thể nên cử tri đi bỏ phiếu đầy đủ và bầu tập trung 7 vị vào Quốc hội khoá I: Hồ Văn Ninh, Lê Lộc, Nguyễn Trọng Nhã (1) , Tạ Quang Bửu, Trần Bình, Trần Hữu Duyệt, Vương Đình Lương. Đây là lần đầu tiên trong đời của người dân lao động thực sự dân chủ bầu các vị đại diện cho mình tham gia cơ quan lãnh đạo cao nhất của nước nhà. Qua bầu cử, nhân dân càng tin tưởng vào Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng tăng thêm quyền lợi và nghĩa vụ công dân.

Ngày 3/2/1946, Uỷ ban cách mạng lâm thời xã Đậu Thọ tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng cộng sản Đông Dương. Đến dự cuộc mít tinh có cán bộ của Chính quyền cách mạng, đoàn thể cứu quốc và những quần ưu tú, những người nhiệt tình ủng hộ Cách mạng, trong đó có các ông bà: Hồ Kha, Nguyễn Cư, Hồ Sam, Hồ Nhơ, Hồ Bỉn, Lê Miêng,  Phạm Thị Đào, Hồ Khươm, Nguyễn Thiện, Hồ Ruyên, Phạm Đằng, Phạm Đình Tuất, Lê Sọng...Đại diện Việt Minh nêu mục đích của Đảng cộng sản Đông Dương, nhiệm vụ của Việt Minh. Sau cuộc mít tinh mọi người càng tin tưởng phấn khởi, nhiều người được giác ngộ thêm về Đảng cộng sản, về chế độ mới càng hăng hái tham gia công tác đoàn thể cách mạng, gương mẫu trong các phong trào cách mạng, ủng hộ chính quyền.

Ngày 17/02/1946, nhân dân xã Đậu Thọ nô nức đi bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã (lúc này chưa có Hội đồng nhân dân huyện). Đêm đêm các làng rộn ràng tiếng loa (dùng quả bầu dài, ống luồng làm loa) tuyên truyền các chủ trương chính sách của cách mạng, quyền lợi và nghĩa vụ công dân, mục đích ý nghĩa bầu cử Hội đồng nhân dân xã và tỉnh. Nhân dân hăng hái tham gia giới thiệu, mạn đàm, đề cử người đủ đức đủ tài để bầu vào Hội đồng nhân dân xã. Do chuẩn bị chu đáo, tuyên truyền sâu rộng, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, nhất là trách nhiệm của Uỷ ban cách mạng  lâm thời và vai trò của các đoàn thể Cứu quốc đã tuyên truyền vận động tham gia bầu cử đông đủ và lựa chọn được những người đủ đức đủ tài vào Hội đồng nhân xã. Lần đầu tiên nhân dân thực sự dân chủ phấn khởi hăng hái đi bầu người người đại diện cho nhân dân lao động vào cơ quan, lãnh đạo địa phương để xây dựng chế độ mới của nhân dân lao động.

Đầu tháng 3/1946, Hội đồng nhân dân xã họp phiên đầu tiên. Hội đồng nhân dân bầu 7 vị vào Uỷ ban hành chính xã; bầu ông Hồ Hàn làm chủ tịch, ông Phạm Hoàn phó chủ tịch, ông Nguyễn Cư  thư ký Uỷ Ban hành chính xã. Hội đồng nhân dân  quyết định thực hiện nhiệm vụ cấp bách như: Thu hồi một số “ruộng công”chia cho nhà nghèo không có ruộng cày; chỉ đạo, động viên toàn dân tăng gia sản xuất, tiết kiệm, giúp nhau vượt qua nạn đói; cảnh giác âm mưu của địch chống phá Cách mạng. Thực hiện chủ trương của trên và Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã, Uỷ ban hành chính xã tổ chức thu hồi "công điền công thổ"(trước hết là ruộng nhà chùa, nhà họ không dùng đến) để chia cho nông dân nghèo (mỗi đầu người được 8 thước đến 1 sào) nên một số dân nghèo có thêm ruộng để sản xuất sinh sống. Cán bộ và nhân dân xã Đậu Thọ vẫn vững tin và hăng hái tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua: Thực hiện “Tuần lễ vàng”; “Qũy độc lập”; "Ái quốc hộ quân"; "Xóa nạn mù chữ". Cùng với phong trào "diệt dốt", phong trào “Xây dựng đời sống mới, bài trừ các tệ nạn xã hội" được chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, đôn đốc nhân dân thực hiện sôi nổi thiết thực. Giữa thời điểm đói kém khó khăn chồng chất, nhưng làng xã thực sự yên vui, nhân dân tin tưởng ủng hộ chính quyền Cách mạng.

Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14-9-1946) vừa ký xong thì thực dân Pháp đã chà đạp huỷ bỏ bằng thủ đoạn liên tục đánh phá, đánh chiếm; ngay địa bàn Khu IV chúng cho quân áp sát phía tây và bờ biển Hà Tĩnh.

Thực hiện chỉ thị của trên, xã đậu Thọ giải tán Ban phòng thủ, thành lập Uỷ ban khánh chiến xã để chuyên lo mọi việc liên quan đến kháng chiến (UBKC cùng tồn tại với Uỷ ban hành chính xã). Uỷ ban kháng chiến xã củng cố các tiểu đội dân quân tự vệ quân ở các làng và thành lập trung đội dân quân của xã do đồng chí Hồ Nhơ làm trung đội trưởng. Uỷ ban kháng chiến tổ chức đợt huấn luyện cách đánh phòng thủ và kỷ thuật gài mìn, làm hầm chông, ném lựu đạn, sử dụng giáo mác, gậy gộc, đồng thời luyện tập cách sơ tán, tản cư cho nhân dân. Mặc dù trang bị của lực lượng dân quân chủ yếu là gậy gộc giáo mác, đao kiếm, chỉ có trung đội tự vệ thường trực của xã có một số khẩu súng kíp và một ít lựu đạn, mìn muỗi, nhưng vẫn hăng say luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.

Đầu tháng 6/1946, đồng chí Nguyễn Duy Khiêm, đồng chí Nguyễn Trinh Xuân về bồi dưỡng lớp cảm tình Đảng cho những quần chúng ưu tú trong phong trào cách mạng của Đậu Thọ. Những người tham gia lớp học đều được hiểu biết về mục đích, tôn chỉ của Đảng cộng sản Đông Dương; nội dung cơ bản về Điều lệ Đảng; quyền hạn và trách nhiệm đảng viên, đồng thời được phân công nhiệm vụ trong các tổ chức đoàn thể và vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Trong quá trình hoạt động, các đồng chí đã hăng hái hoạt động trong các đoàn thể và tích cực tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cách mạng.

Cuối năm 1946, Uỷ ban hành chính xã Đậu Thọ đã tổ chức họp cán bộ cốt cán của Chính quyền và các đoàn thể từ xã xuống làng để quán triệt và phát động phong trào toàn dân hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch ngày 19/12/1946: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”... Cán bộ và nhân dân xã Đậu Thọ bước vào thời kỳ quân sự hoá mọi hoạt động theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xóm là một pháo đài”; "ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng giáo mác gậy gộ"...Cùng với nhiệm vụ xây dựng trận tuyến phòng thủ, dân quân Đậu Thọ làm nòng cốt thực hiện phong trào đắp ụ, đào hố, làm vật cản dọc đường Quan (quốc lộ 1A), đóng cọc ở các bãi trống đồi trọc, ngăn sông, rào làng...đề phòng quân Pháp dùng các phương tiện xe cơ giới, thuyền máy, ca nô, máy bay đổ quân đánh ta. Ngày sản xuất, đêm hàng trăm dân quân cùng nhân dân lên đào hộ, đắp ụ dọc đường Quan (QL1A), làm vật cản các cầu cống, đóng cọc ở sông, các bải trống (1) ...thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch:...“Đánh thì phải phá hoại, ta không phá thì địch cũng phá hoại. Nếu ta không phá đường, phá cầu cống, phá nhà cửa kiên cố, ngăn sông ngòi thì Pháp lợi dụng đưa quân lính, xe tăng tấn công ta, lợi dụng làm căn cứ, nên ta phải phá trước không cho Pháp dùng được”...

Xã Đậu Thọ có đường Quan (quốc lộ 1A) chạy qua, có nhiều núi đồi, có sông sâu nối với cửa biển khoảng 3 - 4 km, địch có thể lợi dụng đường bộ, đường sông, bãi trống, cao điểm để đánh chiếm, nên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn hết sức cấp thiết. Từ tình hình đặc điểm đó, Uỷ ban kháng chiến xã chỉ đạo ráo riết chiến dịch: Luyện tập dân quân du kích, đào hầm hào trú ẩn, làm điếm gác, đắp ụ, đào hầm chông ở những nơi xung yếu - địch có thể tràn vào làng xã (nhiều hầm rộng 3- 4 m, dài 3-5m, sâu hơn 2m; dưới cắm chông dài hơn 1 m). Khẩu hiệu:"Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến"; "mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xóm là một pháo đài"; "Vừa kháng chiến vừa kiến quốc"...được tuyên truyền sâu rộng khắp làng xã.

Ngày 8/3/1947, đồng chí Nguyễn Duy Khiêm và đồng chí Nguyễn Trinh Xuân được Huyện uỷ cử về xã Đậu Thọ tổ chức lễ kết nạp 3 đồng chí: Nguyễn Cư, Hồ Kha, Phạm Văn Tư vào Đảng cộng sản Đông Dương tại Đền Chào. Sau lễ kết nạp, đồng chí Nguyễn Duy Khiêm đọc quyết định của Huyện uỷ thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương xã Đậu Thọ (chi bộ dự bị) và chỉ định đồng chí Nguyễn Cư  làm bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Văn Tư phó bí thư. Chi bộ phân công: Đồng chí Nguyễn Cư phụ trách chung, trong đó tập trung công tác tuyên truyền và phát triển đảng viên mới, trực tiếp phụ trách xây dựng phong trào cách mạng làng Vĩnh Yên; đồng chí Phạm Văn Tư phụ trách công tác tổ chức và phụ trách phong trào cách mạng làng Sơn Triều; đồng chí Hồ Kha phụ trách công tác dân vận, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng làng Sơn Luật. Chi bộ hoạt động trong điều kiện bí mật dưới danh nghĩa đoàn thể (có thời kỳ gọi Ban thi đua). Cứ 7 ngày đảng viên về báo cáo tình hình, kết quả hoạt động và tiếp thu chủ trương, nhiệm vụ mới. Chi bộ xã Đậu Thọ được thành lập là bước ngoặt trong phong trào cách mạng địa phương. Tuy lúc này mới có 3 đồng chí, phải hoạt động bí mật, điều kiện hoạt động hết sức khó khăn, nhất là vừa giữ vững quan điểm lập trường giai cấp, vừa tranh thủ các thành phần xã hội để tập hợp lực lượng, trí tuệ, của cải tạo ra sức mạnh toàn dân kháng chiến kiến quốc trong thời điểm hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ điều, nhưng thực sự các đảng viên đã tận tuỵ hy sinh để tuyên tuyền, vận độn và lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương theo định hướng của Đảng, nhất là xây dựng chính quyền, đoàn thể.

Sau khi chi bộ xã Đậu Thọ được thành lập, phong trào cách mạng địa phương càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện, nổi bật là tăng gia sản xuất và xây dựng lực lượng dân quân du kích sẵn sàng phòng thủ chiến đấu. Tháng 4/1947, Chi bộ, Chính quyền  tổ chức Đại hội dân quân toàn xã. Đại hội được đón tiếp đồng chí Lê Tư Sính làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến huyện và đồng chí Nguyễn Tiến Chương đại diện Huyện đội về dự và phổ biến tình hình nhiệm vụ, nhất là kế hoạch  phòng thủ đề phòng thủ đoạn của địch dùng tàu thuyền tập kích, đổ bộ tuyến biển, pháo kích từ tàu chiến vào và không loại trừ dùng cơ giới từ Ba Đồn (Quảng Bình) tấn công ra Kỳ Anh. Sau Đại hội, lực lượng dân quân du kích được củng cố, nhất là thành lập Trung đội du kích tập trung của xã. Mỗi xóm có các trung đội dân quân du kích vừa tuần tra canh gác, vừa sẵn sàng cơ động chiến đấu. Huyện đội cử đồng chí Đặng Đình Lai (có hai lính Nhật tình nguyện ở lại Việt Nam giúp ta đánh Pháp) huấn luyện cho dân quân du kích kỷ thuật bắn súng, sử dụng lựu đạn, hầm chông, đao kiếm và cách đánh phục kích, du kích. Phong trào huấn luyện dân quân được các đoàn thể Phụ nữ - bà mẹ, Phụ lão và nhân dân động viên tinh thần vật chất nên càng hăng hái luyện tập.

Ngày 20/7/1947, Chi bộ xã Đậu Thọ họp đánh giá kết quả hoạt động sau ba tháng thực hiện nghi quyết đại hội, đồng thời học tập thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị của Khu uỷ về rèn luyện "Đảng phong, Đảng kỷ" cho đảng viên. Chi bộ thống nhất kế hoạch lãnh đạo nhân dân thực hiện "Tuần lễ thương binh"; "hướng về "Bình - Trị - Thiên khói lửa" do tỉnh phát động. Ngày 28/7/1947, Chi bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể họp cốt cán để phổ biến chủ trương  chấn chỉnh cấp bộ Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, xây dựng Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam các cấp goi tắt là Hội Liên Việt. Hội nghị cũng thông báo và rút kinh nghiệm trận chống càn của dân quân xã Hoằng Lợi ngày 07/7/1947 (xã đội trưởng Dương Lão và 8 chiến sỹ du kích hy sinh) để tăng cường xây dựng lực lượng dân quân cả về lực lượng và năng lực chỉ huy, trình độ kỷ, chiến thuật, chủ động kịp thời chống trả ban đầu ngăn cản địch để phối hợp tiêu diệt địch và sẵn sàng cơ động chiến đấu). Hội nghị giao chỉ tiêu cho các làng huy động nhân lực tham gia đắp đê Đan Du (Kỳ Thư). Hội nghi đánh giá phong trào Bình dân học vụ đạt kết quả tốt: "...) già trẻ gái trai hưởng ứng sôi nổi, nhiều cụ 70 tuổi vẫn hăng say tập đọc, tập viết. Ban Bình dân học vụ đã hoạt động tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là các ông: Hồ Ruyên, Hồ Tuỵ, Cao Xuân Oánh... đã tận tuỵ đôn đốc, kiểm tra (có lúc đã phối hợp với chính quyền đoàn thể đón chợ, đón đường kiểm tra nhằm xoá nạn mù chữ triệt để) và tổ chức sát hạch cấp giấy "xoá mù chữ" Đêm đêm tiếng đánh vần, đọc chữ râm ran (những vần thơ được sáng tác để dễ học, dễ nhớ và được học viên ngân nga: "O tròn như quả trứng gà, Ô thời đội nón, Ơ thời mang râu”; “Vần Quốc ngữ R… ớ rớ …, khi điếu thuốc khi miếng trầu đê o đo hỏi đỏ"...) . Đến năm 1947, xã đã có 70% dân số thoát nạn mù chữ, cả xã có 8 lớp học và 12 giáo viên phụ trách công tác văn hóa. Thực hiện chủ trương của trên. Giữa năm1947, xã Đậu Thọ thành lập Ban công an để lo nhiệm vụ an ninh trật tự. Cùng với dân quân du kích, mạng lưới công an từ xã xuống làng xóm đã phối hợp hoạt động bảo đảm cho nhân dân an tâm sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phòng tránh an toàn.

Cuối tháng 7/1947, thực hiện chủ trương của trên, Chi bộ, Chính quyền xã chỉ đạo thực hiện việc sát nhập Uỷ ban hành chính với Uỷ ban kháng chiến thành Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Đậu Thọ do ông Hồ Hàn làm chủ tịch, ông Hồ Nhơ phó chủ tịch. Thời kỳ này Chi bộ, Uỷ ban kháng chiến hành chính xã và các đoàn thể Cứu quốc xã vừa lo tổ chức vận đông nhân dân sản xuất bảo đảm đời sống vừa phải tập trung xây dựng lực lượng dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến trường Bình, Trị, Thiên, đồng thời vận động quyên góp ủng hộ kháng chiến, tiếp tục xoá nạn mù chữ, bài trừ mê tín dị đoan. Lúc này, Chi bộ và Uỷ ban kháng chiến hành chính xã tiến hành củng cố chấn chỉnh cấp bộ Việt Minh, các đoàn thể Cứu quốc, xây dựng tổ chức Liên Việt nhằm thu hút đông đảo mọi người vào tổ chức quần chúng cách mạng. Giữa thời điểm muôn vàn khó khăn, nhưng Chi bộ, Uỷ ban kháng chiến hành chính xã và các đoàn thể cứu quốc đã có  bản lĩnh chính trị, tinh thần tự chủ; cán bộ, đảng viên tận tuỵ, gương mẫu nên quần chúng tin yêu ủng hộ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thực hiện chủ trương của trên, Chi bộ và Chính quyền Đậu Thọ đã thành lập Xã đội bộ do đồng chí Hồ Sam làm Xã đội trưởng (1947-1949). Sau khi thành lập, Xã đội Đậu Thọ tổ chức củng cố thêm đơn vị du kích tập trung và trung đội cơ động chiến đấu, tiểu đội quân báu, các đơn vị trực chiến đấu, tuần tra canh gác, trong đó có đơn vị cơ động phối hợp chiến đấu với các đơn vị bạn, trước hết là xã Đậu Ninh. Xã đội bộ phát động phong trào: Dân quân du kích tự tạo vũ khí như giáo mác, hầm chông, gậy gộc và sưu tầm các loại vũ khí để tự trang bị cho mình. Một số lò rèn thô sơ được hình thành để làm giáo mác, bàn chông; một số vũ khí được sưu tầm, tự tạo để trang bị cho dân quân.

Tháng 4/1948, Chi bộ xã Đậu Thọ Đại hội. Đại hội kiểm điểm đánh giá kết quả lãnh đạo nhiệm vụ tăng gia sản xuất giải quyết đời sống, ủng hộ kháng chiến, xây dựng lực lượng dân quân du kích, luyện tập sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho mặt trận. Đại hội  bầu 5 đồng chí vào Ban chi uỷ: đồng chí Nguyễn Thiện làm bí thư, đồng chí Hồ Bỉn phó bí thư (chủ tịch Uỷ Ban kháng chiến hành chính xã), đồng chí Lê Sọng (công an), đồng chí Trần Giác (chủ tịch Nông hội) đồng chí Hồ Sam - xã đội trưởng. Sau Đại hội chi bộ, chính quyền tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các phong trào, nhất là phong trào tăng gia sản xuất bảo đảm đời sống; xây dựng lực lượng dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu; thi đua ủng hộ kháng chiến; tiếp tục thực hiện phong trào Bình dân học vụ; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là vận động kết nạp đảng viên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các tổ chức đoàn thể, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tháng 12-1949, xã Đậu Thọ và xã Đậu Ninh sát nhập thành xã Lĩnh Nam.

Cuối 1954, thực hiện chủ trương của trên, xã Lĩnh Nam tách thành xã Kỳ Thọ và xã Kỳ Ninh (trên cơ sở địa bàn Đậu Thọ và Đậu Ninh trước đây, chỉ có Kỳ Thọ cắt xóm Dụ Thành về Kỳ Khang)

 Người đang truy cập: 36
 Tổng số truy cập: 2364445